banner

Xuất khẩu nông sản bước vào "mùa" cao điểm

Quý IV hằng năm là “mùa vàng” cho kinh doanh xuất khẩu, nên doanh nghiệp thuộc các ngành hàng đang tận dụng tối đa khoảng thời gian này để chốt đơn hàng, đẩy nhanh sản xuất, giao hàng đúng hẹn.

Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường, tạo sức bật đối với những mặt hàng thế mạnh để bứt phá.

Đơn hàng nhiều hơn

Với mục tiêu cán đích xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD trong năm 2023, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường, tạo sức bật đối với những mặt hàng thế mạnh để bứt phá ở giai đoạn cuối năm.

Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đang có nhiều lợi thế tăng tốc xuất khẩu là thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều… Đều nằm trong “câu lạc bộ” xuất khẩu tỷ USD, nên các mặt hàng này tăng tốc sẽ góp phần cải thiện đáng kể kết quả xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp năm 2023.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong tháng 9/2023 khá khả quan, mang về 4,8 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Do các tháng đầu năm, xuất khẩu giảm sâu, nên tính chung 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản mới đạt 38,48 tỷ USD, vẫn giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo, rau quả và cà phê là 3 ngành hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao của ngành nông nghiệp, đã mang về doanh thu hơn 10 tỷ USD qua 9 tháng. Trong đó, rau quả lần đầu cán mốc 4,2 tỷ USD; gạo cũng vượt kết quả xuất khẩu năm ngoái, thu về 3,65 tỷ USD. Với giá xuất khẩu giữ ở mức cao như hiện nay, dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ mang về khoảng 5 tỷ USD, dù sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết: “Dự kiến năm 2023, ngành gạo xuất khẩu tối đa được khoảng 7,4 - 7,5 triệu tấn, tăng hơn mức 7,1 triệu tấn của năm 2022. Giá xuất khẩu tăng cao do đặc điểm của thị trường gạo toàn cầu biến động trước việc các quốc gia lớn siết chặt xuất khẩu (Ấn Độ, Nga, UAE), nên doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chớp được thời cơ”.

Động thái mới nhất, Indonesia vừa công bố mua thêm 1,5 triệu tấn gạo để dự trữ cho năm 2023. Giám đốc chuỗi cung ứng và các dịch vụ công nước này, ông Mokhamad Suyamto khẳng định, Indonesia sẽ nhập 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Hiện, tất cả các giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu số gạo này đã được các cơ quan hữu quan Indonesia ban hành và việc nhập khẩu sẽ được thực hiện sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 10/2023.

Ngoài ra,  rau quả, cà phê cũng đang tận dụng tốt nhu cầu  tăng cao tại Trung Quốc và châu Âu, Mỹ. Theo tính toán, rau quả có thể mang về 5,5 tỷ USD trong năm nay, còn kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ bằng hoặc tăng nhẹ so với mốc hơn 4 tỷ USD của năm ngoái

Trung Quốc là thị trường số 1

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp Việt Nam ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Trong khi kim ngạch xuất sang Nhật Bản, Mỹ đều giảm 7-22% so với cùng kỳ năm ngoái, thì thị trường Trung Quốc lại lội ngược dòng tăng trưởng dương.

Đến hết tháng 9, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,71 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông sản lên đến hơn 6,2 tỷ USD, chiếm 70% tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản, kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Riêng nhóm rau quả, trong 9 tháng qua, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 2,75 tỷ USD, con số cao kỷ lục. So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng đến 160%. Sầu riêng là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn, đến 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, đạt 1,5 tỷ USD.

Sau rau quả, gạo là mặt hàng được quốc gia tỷ dân chi mạnh thứ hai với gần nửa tỷ USD, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt gần 434 triệu USD, tăng hơn 42%; xuất khẩu cà phê trên 101 triệu USD, tăng 11,4%; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt gần 436 triệu USD, tăng 30%.

Nông sản Việt được ưa chuộng

Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, Trung Quốc hiện dẫn đầu về thị phần mua hàng Việt. Với hàng rau quả, thị phần nhập khẩu rau quả Việt của Trung Quốc năm ngoái chỉ chiếm 43% tổng kim ngạch.

Xuất khẩu nông sản nhiều cơ hội trước mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm.

Thế nhưng, bước sang năm 2023, chỉ trong 9 tháng đầu năm đã tăng 22% lên 65%. Mức này vượt xa gấp nhiều lần những nước còn lại trong top 5 là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan. Đây cũng là con số ấn tượng nhất hàng chục năm qua.

Ông Nguyên cho rằng, kết quả này là nhờ Việt Nam đã ký kết được nhiều nghị định thư xuất khẩu rau quả chính ngạch vào thị trường này. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng sầu riêng nên sản lượng xuất khẩu mặt hàng này tăng đột biến vài chục lần, trở thành sản phẩm tỷ USD.

Tương tự, CEO Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết, Trung Quốc là thị trường trọng yếu của Việt Nam, có sức tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Khi được xuất chính ngạch, cùng với vị trí địa lý thuận lợi, thời gian giao hàng nhanh đã giúp sản phẩm Việt Nam bùng nổ, có chỗ đứng ở thị trường này.

Cũng theo ông Tùng, sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm nay có thể đạt 2 tỷ USD. Các container sầu riêng của Vina T&T qua nước này vẫn khá thuận lợi.

Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, mặc dù Trung Quốc ngày càng siết chặt hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên trái cây Việt Nam vẫn được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, bà Vy dự báo xuất khẩu trái cây Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh.

Coi chừng mất thị phần vào tay đối thủ

Dù vậy, ông Tùng cho rằng, ngành rau quả vẫn còn những khó khăn tại thị trường Trung Quốc khi thanh long, bưởi, nhãn của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nội địa và hàng xuất khẩu từ nhiều quốc gia khác.

Ngoài ra, có tình trạng nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn thiếu chất lượng khi có những lô hàng có trái cắt non, sâu rệp. Chưa kể, nhiều sản phẩm xuất khẩu còn bị sai mã vùng trồng.

Từ đó, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng nếu không cải thiện chất lượng, hàng Việt Nam sẽ dễ bị mất thị phần tại Trung Quốc. So với các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, thì Việt Nam là nước láng giềng có đường biên giới giáp Trung Quốc, thuận lợi cho xuất khẩu đường bộ và đường biển với chi phí thấp hơn nhiều.

Chính vì vậy, nếu biết tận dụng lợi thế, quy mô, nâng cao chất lượng, và sản xuất hàng đúng vào các mùa cao điểm tiêu thụ của Trung Quốc như Trung Thu, Quốc Khánh, Tết Nguyên đán..., rau quả Việt có thể thắng lớn ở thị trường này.

Ông Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn về thị trường này. Nhà chức trách Việt Nam cần phối hợp với phía Trung Quốc tiếp tục mở cửa nhập khẩu chính ngạch nhiều hơn cho các mặt hàng rau quả, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm đối tác lớn.

Trong Quý IV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo xuất khẩu nông sản có thể thiết lập nhiều kỷ lục mới. Tại cuộc họp với Hải quan Trung Quốc hồi đầu năm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan xác định đây là thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Thời gian tới, dừa tươi Việt được xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, kim ngạch nhóm nông sản sẽ tiếp tục bùng nổ. Ngoài ra, xuất khẩu gạo, hạt điều,... sang thị trường này cũng tiếp tục thuận lợi khi bước vào mùa tiêu dùng cao điểm của Trung Quốc.

Giữ uy tín nông sản Việt

Dịp cuối năm - khi đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn - cũng là lúc cần tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhất là nông sản, để tránh bị cảnh báo từ thị trường nhập khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu một số mặt hàng có sự suy giảm. Ngoài nguyên nhân do sức mua của các thị trường giảm sút, còn có việc một số quốc gia áp dụng yêu cầu kỹ thuật mới, tăng cường thanh tra tại nước xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt kỷ lục mới, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới.

Mới đây, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có văn bản gửi các doanh nghiệp (DN), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ và Trung Bộ... về tình trạng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo do có hóa chất, kháng sinh.

Văn bản nêu rõ 9 tháng năm 2023, số vụ việc hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, trường hợp bị phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh chiếm tỉ trọng cao. Châu Âu là thị trường đưa ra cảnh báo nhiều nhất, ngoài ra còn có Anh, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Nhật Bản. Sản phẩm bị cảnh báo gồm cá trê, cá diêu hồng, cá tra, tôm thẻ, cá chẽm, đùi ếch, cá ngừ, mực nang. "Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và còn nhiều hạn chế trong việc kiểm soát tại cơ sở chế biến" - ông Tiệp chỉ rõ.

Đáng lo ngại, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt đối với DN có lô hàng bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh nhưng không có biện pháp khắc phục hiệu quả. Một trong những biện pháp kiểm tra tăng cường là lấy mẫu kiểm tra thực tế đối với từng lô hàng. Mạnh tay hơn, EC đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam xóa tên DN vi phạm khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào EU.

Trước đó, tháng 6-2023, đoàn thanh tra của EC đã đến Việt Nam để điều tra về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản xuất khẩu. Qua đó, phát hiện một số lỗi liên quan điều kiện vệ sinh của một số cơ sở, nhất là ở khâu khai thác, nuôi trồng; hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật trong quản lý nhà nước.

Trước thực trạng trên, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã yêu cầu các DN ưu tiên nguồn lực để cải thiện năng lực của hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại nhà máy và chú trọng kiểm soát các cơ sở cung cấp nguyên liệu./.

Thanh Tâm - Kinhtenongthon

Kỹ thuật nông nghiệp

Tiến bộ kỹ thuật giúp nghề dâu tằm '2 giảm, 3 tăng'

Chủ nhật, 22-10-2023 | 05:25:15

Tiến bộ kỹ thuật giúp nghề dâu tằm '2 giảm, 3 tăng'

'2 giảm, 3 tăng' gồm: Giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động; tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm. Diện tích cây dâu tằm của huyện...

Đọc Tiếp

Quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái‏

Chủ nhật, 24-09-2023 | 04:56:57

Quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái‏

Để đảm bảo cây mít Thái phát triển mạnh mẽ và mang lại năng suất cao, việc áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng cách là vô cùng...

Đọc Tiếp

Quy trình nhân giống hoa cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành

Thứ 6, 15-09-2023 | 04:24:40

Quy trình nhân giống hoa cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành

Hoa cẩm chướng là loài hoa mang vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính và màu sắc đẹp mắt. Chính vì thế mà loài hoa này được trồng nhiều để trang...

Đọc Tiếp

Sản phẩm ức chế bệnh bạc lá nhận giải thưởng của Mitsui Chemicals

Thứ 3, 12-09-2023 | 04:38:06

Sản phẩm ức chế bệnh bạc lá nhận giải thưởng của Mitsui Chemicals

Trong lần đầu tổ chức ở Việt Nam, cuộc thi Mitsui Chemicals R&D Collaboration đã trao giải cho sản phẩm có khả năng ức chế bệnh bạc lá – một...

Đọc Tiếp

Quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

Thứ 2, 21-08-2023 | 05:14:25

Quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

Rệp sáp giả chích hút dinh dưỡng của cây, làm cho cây sinh trưởng phát triển kém. Rệp sáp giả tiết ra dịch mật tạo điều kiện cho nấm muội...

Đọc Tiếp

Liên Kết Websites



Thống kê

Trong ngày
Trong tháng
Lượt truy cập
1010
3092
9803835
Your IP: 3.14.80.45