banner

Chê giá cà phê thấp, dân găm hàng làm doanh nghiệp phải 'cắn răng' mua đắt
Do giá cà phê quá thấp, người dân chỉ bán ra nhỏ giọt để lấy tiền trang trải, khiến nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ, thu mua với giá cao để gom hàng cho các hợp đồng trước đó.
 
Dân lao đao, doanh nghiệp cũng "méo mặt"
 
Hiện, giá cà phê tại Tây Nguyên chỉ đạt hơn 34.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
 
Ông Nguyễn Minh Đường - Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết, với giá cà phê hiện tại, nếu ở vùng cà phê có năng suất cao, canh tác thuận lợi, nông dân cũng chỉ hòa vốn. Đối với những vùng năng suất thấp, canh tác khó khăn, nông dân chắc chắn bị lỗ.
 
Giá cà phê sụt giảm khiến không chỉ nông dân, mà doanh nghiệp trong lĩnh vực cà phê cũng lao đao. Ảnh: D.H

 

"Do giá quá thấp nên người dân trữ hàng, các đại lý thu mua cung cấp cho công ty gặp nhiều khó khăn trong thu mua nguồn hàng. Do thiếu hụt nguyên liệu, phía công ty phải chấp nhận bù lỗ, mua giá cao hơn so với thị trường để đảm bảo cung ứng cho những đơn hàng đã được ký trước đó”. Ông Nguyễn Xuân Lợi - Giám đốc Công ty TNHH Cà phê An Thái (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk)
 
Ông Mai Hùng (trú xã Quảng Tiến, huyện Chư M’gar, Đăk Lăk) chia sẻ: "Đầu vụ giá cà phê chỉ 33.000 đồng/kg, nếu bán ra sẽ không đủ chi phí đầu tư, nên tôi quyết định chờ giá cao hơn. Nhưng sau đó giá cà phê lại tiếp tục giảm, có lúc chỉ còn 31.000 đồng/kg, rồi nhích lên một cách chậm rãi. Đằng nào cũng nợ, giờ nếu bán ra cũng không thể trang trải được hết, nên tôi cố đấm ăn xôi, chờ thêm một thời gian nữa rồi tính".
 
Ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk cho biết, đến thời điểm hiện tại, 90% dân trồng cà phê trên địa bàn huyện vay nợ ngân hàng để trang trải, chi tiêu. Họ chấp nhận "ôm" thêm nợ, mà không bán cà phê do giá quá thấp.
 
Theo khảo sát của Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk, đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 50% trong tổng số 435.000 tấn cà phê trong niên vụ 2017 - 2018 được bán ra thị trường. Do giá quá thấp, người dân “găm” hàng không bán.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chư Sê (Gia Lai), trong tổng số gần 20.000 tấn cà phê nhân thu được trong vụ này ở Chư Sê, chỉ có khoảng một nửa được dân bán ra. Việc này cũng khiến một số doanh nghiệp cà phê “méo mặt” vì không mua đủ hàng cho các hợp đồng đã ký trước đó.
 
Làm gì để người trồng cà phê hết lao đao?
 
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng cà phê như: Hỗ trợ giống tái canh, xây dựng mô hình, hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi để tái canh, hỗ trợ ngành hàng thông qua dự án…
 
Ngoài ra, tỉnh Đăk Lăk xác định cây cà phê là cây trồng chủ lực nên cũng xây dựng “Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, ưu tiên thực hiện nhiều chính sách cho dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trên thị trường. Nhưng đối với chính sách cụ thể để trợ giá cho người trồng cà phê, cần phải có chủ trương của Chính phủ.
 
“Để sản xuất cà phê trong thời buổi giá thấp như hiện nay, người trồng cà phê cần phải trồng theo quy hoạch của đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Người nông dân phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hình thành các tổ nhóm hoặc hợp tác xã để có vùng nguyên liệu ổn định, liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định. Cần giảm giá thành trong sản xuất ở các khâu đầu vào, như giảm lượng phân bón, giảm lượng nước tưới và giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật” - ông Dương nói.
 
Cũng theo ông Dương, người dân cần chuyển đổi cây trồng ở những vùng đất không phù hợp như thiếu nước tưới, đất dễ ngập nước, đất có độ dốc cao, đất có tầng canh tác mỏng trên cơ sở tham khảo ý kiến của nhà quản lý và nhà khoa học. Đồng thời, người dân cần áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như công nghệ tưới tiết kiệm, bón phân, thuốc qua hệ thống tưới…
 

Duy Hậu - Dân Việt